Đặc sản An Giang

ĐẶC SẢN AN GIANG

Không khó để tìm một món quà hay ho tặng người thân khi ghé An Giang. Chính vì đây là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt,.. với nền văn hóa đa dạng nên mang đậm bản sắc riêng và có sức cuốn hút mạnh mẽ. Đặc sản An Giang tiêu biểu bao gồm:

BÒ BẢY MÓN NÚI SAM

Món bò bảy món là một nhóm những món ăn được làm từ bò. Bò ở vùng Bảy Núi nổi tiếng là thịt săn chắc và béo ngọt, dó đó những món ăn từ bò cũng rất được chú ý.

Món bò bảy món bao gồm các món ăn nhỏ như: bò đun bánh hỏi, cháo đầu bò, lòng bò luộc, bò xào lá giang, bò khìa với bánh mì, bò lúc lắc và thịt bò bít tết. Hầu như các quán ăn không thịt bò sẵn ở chợ mà thường tìm mua tại các hộ chăn nuôi, họ mua bò nguyên con để giết mổ tại chỗ nhằm đảm bảo nguồn thịt được tươi ngon nhất.

Người dân An Giang nói rằng thịt bò ngon nhất là thịt bò tơ, tức là bò khi vừa mới lớn chưa thật sự trưởng thành và chưa qua lần sinh nở nào, thịt của bò tơ sẽ bùi và thơm ngon nhất. Một vài món ăn phải được chế biến bằng con bê (bò con) thì mới đạt được độ ngon, chẳng hạn như món bê thui. Do đó khi bạn đến các quán ăn bán bò bảy món thì sẽ thấy ngay một lò quay lớn đặt ở phía trước quán có sẵn một phần thân bò được thui trên đó.

Nếu không ăn hết bảy món thì bạn có thể gọi riêng từng món để thưởng thức, món bò đun bánh hỏi và bò lúc lắc được nhiều người yêu thích hơn cả.

XÔI PHÒNG CHỢ MỚI

Ở vùng Chợ Mới, An Giang có một món ăn rất đặc biệt: xôi phồng gà quay. Không giống như xôi thông thường, xôi phồng được làm theo một công thức đặc biệt.

Theo đó gạo nếp sẽ được nấu cùng với đậu, sau đó được trộn lại và xay nhuyễn với nhau sao cho thành hỗn hợp dẻo và mịn. Sau khi trộn đều gia vị vào, từng khoanh xôi được đen chiên trên chảo dầu. Xôi sẽ phồng lên tạo thành một hình cầu lạ mắt. Tuy nhiên, loại chảo duy nhất được sử dụng để chiên món xôi phồng là chảo gang.

Món xôi phồng thường được ăn cùng với thịt gà quay, tuy nhiên hiện nay nhiều người thích ăn kèm vớt thịt bò và thịt heo, vì thế món xôi phồng đã có nhiều biến tấu khác nhau.

BÁNH XÈO RAU RỪNG

Bánh xèo thì nơi đâu cũng có, nhưng món bánh xèo ở vùng Núi Cấm, Núi Sam của Châu Đốc lại đặc biệt hơn cả.

Điểm đặc biệt của bánh xèo chính là ở đĩa rau rừng ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú với hơn 20 loại rau rừng. Đó có thể là lá của cây xoài, rau tía tô, xà lách các loại cho đến các loại dưa giá rất phong phú.

Bánh xèo chỉ bao gồm thịt ba rọi, giá và tép như hầu hết những vùng khác, tuy nhiên lại thu hút được nhiều người bởi cái phong vị thiên nhiên và lạ miệng của các loại rau rừng.

BÁNH BÒ THỐT NỐT

Bánh bò thốt nốt có thể được xem là đặc sản của An Giang. Bánh bò được làm từ đường của cây thốt nốt nên có vị ngọt không gắt và có màu vàng ươm đẹp mắt.

Bánh bò thốt nốt có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước dừa. Ở Châu Đốc và Tân Châu là hai nơi bán nhiều bánh bò thốt nốt. Đặc biệt bánh bò thốt nốt có chan nước dừa beo béo rất nổi tiếng ở Tân Châu, được ship đi nhiều tỉnh thành trong đó có TPHCM.

TUNG LÒ MÒ CHÂU PHONG

Tung Lò Mò là tên gọi của món Lạp xưởng bò, loại lạp xưởng đặc biệt của người Chăm theo đạo Hồi ở An Giang.

Đây là món ăn truyền thống của người Chăm và vì thế nó có vị lạ miệng không giống với ấm thực Việt Nam. Đi dọc các con đường ở Châu Phong (đường từ Tân Châu đi Châu Đốc) bạn sẽ bắt gặp những khu dân cư Hồi giáo. Tại đây là nơi người ta chế biến Tung Lò Mò.

Tung Lò Mò có vị chua và dai dai, đồng thời cũng có vị ngọt pha lẫn vị béo của mỡ bò. Tung Lò Mò ăn ngon nhất là khi nướng trên bếp than, ăn cùng với rau răm, tương ớt…

Bạn có thể mua Tung Lò Mò về làm quà vì món ăn này giữ được rất lâu. Dễ vận chuyển và bảo quán trong quá trình đi du lịch.

MẮM CHÂU ĐỐC

Châu Đốc mệnh danh là xứ sở của mắm. Châu Đốc có rất nhiều loại mắm, toàn là những loại mắm ngon từ cá nước ngọt như mắm cá lóc, cá sặc, cá linh, cá rô phi…

Khi đến khu chợ mắm của Châu Đốc bạn có thể ăn thử trước khi chọn mua. Tùy theo những loại mắm khác nhau mà chúng sẽ có giá thành khác nhau. Hầu hết các quầy hàng đều có niêm yết giá trên bảng hiệu nên bạn không cần lo lắng.

ĐƯỜNG THÔT NỐT

Đường thốt nốt hoàn toàn có vị ngọt khác với đường mía thông thường. Đường thốt nốt có hai dạng là dạng nước đường sánh và dạng viên.

Khách du lịch thường mua đường thốt nốt dưới dạng viên. Những viên đường màu vàng có hình lát cắt khối trụ, được đặt trong lá thốt nốt và gói lại rất đẹp mắt. Đường thốt nốt thơm và ngọt dịu, sử dụng để nấu chè thì không gì sánh bằng. Đường thốt nốt ngày nay còn được sản xuất để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

BÚN CÁ LONG XUYÊN

Món bún cá Châu Đốc và bún cá Long Xuyên là món ăn trứ danh của vùng đất An Giang. Món ăn này được bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất là ở Châu Đốc, Long Xuyên và Tân Châu. Người dân ở đây quen gọi bún cá là bún nước lèo.

Mỗi nơi đều có vị bún cá đặc trưng, ở Long Xuyên vị bún nhạt và thơm mùi nghệ, ở Tân Châu và Châu Đốc bún cá có vị đậm đà hơn. Món bún cá ngon nhất là khi được nấu bằng cá lóc (cá quả), người ta có thể thay thế bằng cá kèo, tuy nhiên cá lóc làm cho món bún có hương vị đặc trưng.

Thịt cá lóc ngọt, không dai và cũng không quá bở. Người ta sẽ luộc cá và lóc lấy phần thịt đem đi xào chung với nghệ vàng và xả. Nước lèo bún cá vì thế có màu vàng ươm đặc trưng. Nước bún cá được nấu với canh bún, bí quyết để nước dùng được ngọt và thơm thì người ta phải hầm thật lâu với xương gà, chính nước ngọt từ xương gà làm cho nước lèo có vị ngọt tự nhiên nhất.

Rau giá ăn kèm với bún cá nước lèo rất đa dạng, đó có thể là rau muống bào, bắp chuối bào sợi, giá, rau răm và bông điên điển. Vào mùa nước nổi điên điển mọc rền khắp vùng sông nước, đó là mùa mà bún cá ngon nhất.

BÁNH TẰM BÌ CHÂU ĐỐC

Bánh tằm bì là một món ăn ngon đặc sắc của Tân Châu. Điểm nhấn chính là bì thịt và viên xíu mại thơm béo trong đĩa bánh tằm.

Bánh tằm là những sợi bánh làm từ bột độ giòn và béo hơn so với bánh canh. Bánh tằm thường được ăn kèm với thịt xíu mại, thịt nướng và bì. Khi ăn thì chan nước cốt dừa béo và nước mắm chua ngọt. Món ăn này là sự tổng hòa của vị mặn, vị béo, vịt ngọt và vị cay của ớt.

Nhiều người thích ăn bún thịt nướng thì cũng khoái món bánh tằm. Những người dân bản địa khi xa quê đều nhớ món bánh tằm, mỗi lần về quê phải ăn liền 2 đĩa mới “đã thèm”.

Phần bị thịt có nhiều thịt hơn các loại bì khác, nó giống như thịt ba rọi xắt sợi thật nhỏ, chính vì thế còn giữ được độ ngọt của thịt heo. Phần xíu mại được nấu mềm và rất béo, bên trong từng viên xíu mại có những hạt mỡ heo được cắt thành dạng hạt lựu, vừa mềm vừa giòn sựt tạo nên một cảm giác thú vị khi ăn.

LẨU MẮM CHÂU ĐỐC

Món lẩu mắm là một phần làm nên sức hút của ẩm thực Châu Đốc. Châu Đốc vốn nổi tiếng với các loại mắm, chính vì thế những món ăn làm từ mắm ở đây rất phong phú.

Những loại mắm dùng để nấu lẩu là mắm các sặc, cá chốt… Hai loại mắm này có vị ngọt và mùi hương rất kích thích. Người ta sẽ ninh mắm với nước cho thật nhừ, sau đó gạt bỏ phần xác mắm chỉ còn lại nước cốt của mắm hòa tan vào nước. Để khử bớt mùi của mắm người ta sẽ dùng sả để khử.

Nước lẩu được nấu cùng với cá basa, cá kèo, cá bông lau, cá lóc… (ngon nhất là cá kèo và cá basa). Để gia tăng sự phong phú của món ăn người ta cho vào cả chả cá và thịt ba rọi. Lẩu mắm gần chính thì người ta cho vào đó cà tím cắt khúc, bông so đủa, điên điển, bông súng… vào ăn kèm với bún tươi.

Món lẩu mắm có vị mằn mặn của mắm, vị ngọt của cá vùng sông nước và các loại rau giá… Sự hòa vị đặc sắc này tạo nên ấn tượng khó phai mờ trong lòng người khách phương xa. Tuy nhiên, nếu ai đó không quen ăn mắm và không thích mắm thì món ăn này thật sự là một thử thách khó.

BÒ CẠP BẢY NÚI

Ngoài món bọ rầy bảy núi ra thì nơi đây còn có thêm một món ăn đặc sản hấp dẫn ở An Giang khác đó là bò cạp bảy núi. Vùng bảy núi là vùng đất mà bò cạp phát triển rất nhiều, nhờ vào lợi thế đó mà người dân nơi đây thường đi bắt bò cạp về để làm ra món bò cạp chiên thơm phức. Nếu muốn thưởng thức món bò cạp này bạn có thể đến các nhà hàng ở khu bảy núi hay chợ Châu Đốc, chợ Tịnh Biên.

CHÁO BÒ TRI TÔN

Nếu bạn đã quá nhàm chán với những món cháo thường ăn như cháo gà, cháo vịt hay cháo lòng heo, thì khi đến thị trấn Tri Tôn của tỉnh An Giang bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng món cháo bò.

Không giống với những món cháo mà bạn thường ăn hàng ngày, món cháo bò của huyện Tri Tôn là một kết tinh thú vị của cháo, thịt bò, nội tạng bò, rau ăn kèm và nước chấm gừng nồng. Để khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận một món ăn vừa lạ miệng, vừa ngon lành mà chỉ có Tri Tôn mới có.

GÀ ĐỐT LÁ CHANH TRI TÔN

Điểm hấp dẫn của món ăn có nguồn gốc từ Campuchia này là con gà sau đốt chín, da chuyển sang màu vàng hấp dẫn, các nguyên liệu thấm đều vào thịt gà, món ăn vừa giữ được vị ngọt tự nhiên, vừa hòa quyện mùi thơm đặc trưng của lá chúc và sả. Gắp từng miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt chanh hoặc nước mắm làm, ăn kèm gỏi bắp chuối hột và rau răm thì hương vị như còn đọng lại hoài nơi đầu lưỡi.

 Gà đốt là món ăn truyền thống của người Khmer ở An Giang. Mới nghe qua, món ăn có vẻ đơn giản nhưng lại có cách chế biến kỳ công. Gà được chọn phải là những con thả vườn, thịt tại chỗ để đảm bảo độ tươi. Sau sơ chế, đầu bếp sẽ ướp với sả, ớt, lá chúc (cùng họ chanh), tỏi, đường, muối với lượng vừa đủ. Trong lúc đợi gà thấm gia vị, người dân sẽ chuẩn bị bếp đốt, nồi đất đã được xếp một lớp muối cùng sả và lá chúc dưới đáy.

Món ăn có thành công hay không phụ thuộc cả vào quá trình nướng. Đầu bếp phải khéo léo canh lửa, lúc đầu cho lửa to rồi từ từ nhỏ dần để đảm bảo gà chín đều. Khi mùi thơm nức của gà toả ra theo khói cũng là lúc gà chín tới.

Con gà được dọn ra có màu vàng đẹp mắt, ăn kèm rau sống, dưa leo, chấm nhiều loại nước chấm khác nhau như nước mắm nhà làm, muối tiêu chanh, muối ớt chanh. Trong đó, nước chấm lá chúc lạ miệng nhưng hơi mặn, chỉ nên chấm một lượng vừa phải. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận thịt không bị khô và có mùi hương thoang thoảng nơi sống mũi.

Bạn đang xem: Đặc sản An Giang
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0888 67 00 66
x